ĐIỀU LÝ THÚ VỀ CUNG ĐƯỜNG TREKKING TÀ NĂNG – PHAN DŨNG
Để có thể hình dung rõ hơn về cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng, cung đường đẹp nhất miền Nam trong truyền thuyết này, hãy cùng Hong Ngoc Ha Travel tìm hiểu qua những dòng ghi chép hết sức sống động của anh Trần Đại dưới đây.
Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300km, Tà Năng – Phan Dũng là cung đường dài hơn 50 km thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thảm thực vật đa dạng, khung cảnh hùng vĩ, độ khó vừa phải nên cung đường này phù hợp trekking với nhiều lứa tuổi. Phía Tà Năng là cung đường đẹp, cây cỏ mọc hai bên đường, dốc không quá cao. Còn phía Phan Dũng (hướng xuống thác Yavly) đường khá trơn, ngoằn ngoèo, nhiều dốc, cây chủ yếu là thông. Ở đỉnh Tà Năng, buổi tối sương xuống khá dày và nhanh, gió đặc biệt thổi mạnh vào giữa đêm. Với hành trình hai ngày một đêm, Tà Năng – Phan Dũng là cung đường thách thức những người yêu trải nghiệm. Sau hai ngày khám phá cung trekking Tà Năng – Phan Dũng, bạn sẽ thưởng thức trọn vẹn hương vị của núi rừng với màu xanh bạt ngàn của núi đồi, là chút se lạnh của những cơn gió Tây Nguyên thoảng qua, là màu đỏ cam của những đồi cỏ cháy, là bầu trời rợp ánh sao phía trên lều trại, là tình cảm của những người đồng hành với nhau. Và trên tất cả, là sự can đảm dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình.
.
.
“Cung đường trekking dài 30km đẹp bậc nhất miền Nam bắt đầu từ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng băng qua xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đưa đến trải nghiệm khó quên cho chúng tôi. Chúng tôi khởi hành sớm từ TP.HCM lúc 19h để đến Sàn Homestay của người dân tộc Tày ở bìa rừng Tà Năng nghỉ ngơi và thưởng không khí thanh bình của vùng cao trước ngày trekking. Sáng hôm sau, trước khi vào rừng chúng tôi đã có một bữa ăn sáng tuyệt vời dưới ánh nắng sớm ấm áp. Trứng ốp la, bánh mì nóng và rau xanh do chị Diện, chủ nhà tự trồng ngoài vườn đã sẵn sàng.
Ngày 1: Thử thách đi liền 15km
Buổi sáng hướng dẫn viên phổ biến các quy tắc an toàn trong hành trình và thông tin chi tiết về quãng đường, khí hậu, địa hình,… Mỗi người được phát một cây gậy, áo mưa và chai nước .
Điểm bắt đầu trekking là một ruộng lúa của người đồng bào Churu. Người Churu theo chế độ mẫu hệ cho nên người chồng phải ở rể và không được sở hữu tài sản, vì thế anh chàng đồng bào mà đoàn thuê chở đồ muốn đi làm cũng phải xin phép vợ thì mới được đi. Các bạn nữ trong đoàn đều thích thú với văn hóa này, còn các bạn trai thì thầm nghĩ mình may mắn làm sao.
Tiếp nối quãng đường là những rừng thông ba lá mát rượi. Mọi người bắt đầu thích thú lắng nghe tiếng thông reo trong gió. Sau 6km đường bằng đầu tiên và vài con suối nhỏ róc rách là bắt đầu đoạn leo dốc.
Những con dốc ở đây không quá gắt nhưng cứ kéo dài mãi, cả đoàn cứ thắc mắc là bao giờ hết dốc. Tuy nhiên phần thưởng bắt đầu hiện ra khi chúng tôi ra đến được đồi cỏ đầu tiên, một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ trải dài xuất hiện, những đồi cỏ mát xanh tươi như một thảo nguyên đang yêu mùa xuân vậy, bầu không khí trong lành của cao nguyên và những cơn gió mát mẻ lồng lộng, làm vơi đi rất nhiều những gian nan ban nãy.
Chúng tôi đặt chân qua địa phận xã Phan Dũng, nơi có chóp inox đánh dấu tọa độ ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng – Bình Thuận. Từ đây có thể nhìn thấy ngọn núi cao nhất khu vực do người Pháp đặt tên là Hòn Diên.
Nghe người bản địa đồn là trên núi từng có một con cọp bị thọt còn 3 chân rất hung hăng nên các thợ rừng không ai dám đi ngang khu vực đó. Từ ranh giới hai tỉnh sẽ có hai hướng đi về phía Phan Dũng. Nếu đi thẳng về đồi Lính sẽ mất 2 ngày 1 đêm, còn nếu rẽ trái thì đến thác Yavly sẽ mất 3 ngày 2 đêm.
Đến 16h chiều cả đoàn tới bãi trại là đồi Hai Cây Thông, đây là một ngọn đồi cao khoảng 900m so với mực nước biển và có tầm nhìn rất rộng. Hầu hết các đoàn trekking đều hạ trại ở đây. Tối hôm ấy cả nhóm cùng nhau ăn tối, chia sẻ và hát hò trong không khí thanh bình của núi rừng hoang dã, kết thúc ngày một với ly rượu nếp cẩm thơm lừng. Mọi người đi ngủ sớm để có sức sáng dậy đón ánh bình minh trên cao nguyên.
.
.
.
Ngày 2: Chinh phục tiếp 15km
Để về đích chúng tôi bắt đầu hạ độ cao từ 900m xuống còn 400m. Hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi nhận biết sự thay đổi độ cao bằng cách quan sát sự khác biệt của cảnh quan từ hệ rừng ôn đới lá kim sang rừng hỗn giao lá rộng – lá kim rồi tới những trảng cỏ và cuối cùng là hệ rừng thưa rụng lá, hay còn gọi là rừng khộp – vốn vô cùng khắc nghiệt ở đây vào mùa khô, vì hầu hết các con suối sẽ đều cạn dòng, nếu chẳng may bị lạc sẽ rất khó tìm được nước.
Những rừng cây họ Dầu bắt đầu xuất hiện dày đặc với đặc trưng là vỏ cây cực dày để có thể chống lại cái nắng khắc nghiệt của vùng bắc Bình Thuận. Thuở xưa, người Chăm dùng nhựa cây Dầu để chống thấm cho ghe thuyền, chất đốt và làm vữa cho gạch của các tháp Chăm. Sau khi đổ dốc liên tục, chúng tôi nghỉ trưa ở một con suối nhỏ, nhắm mắt lại nghe tiếng suối tiếng chim kêu, mở mắt ra là thiên nhiên, mới thấy tuyệt diệu làm sao.
Tiếp tục bộ hành trong rừng thưa đến 14h thì đoạn đường cuối cảnh quan rừng đã không còn đẹp nữa, bãi xe ôm của những anh đồng bào người Raglai đã ở trước mắt, chúng tôi liên tưởng đến bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, thì ra là nói về những chàng trai dễ mến đang ở ngay trước mắt mình. Để tạo thêm thu nhập cho người bản địa nên chúng tôi quyết định lên xe ôm tới xã Phan Dũng (5km).
Mệt mỏi là thế đó, nhưng ai cũng muốn nán lại nhìn ngắm cung đường xinh đẹp này một hồi lâu mới thôi. Đi những nơi thế này, mới nhận ra: “Đâu cần phải đi đâu xa như nước ngoài, Việt Nam mình đẹp lắm, thơ lắm, tự hào lắm Việt Nam mình ơi”!
.
.
.
.
Những điều lưu ý khi trekking cung đường Tà Năng – Phan Dũng
- Không nên tự ý lên kế hoạch đi để đảm bảo độ an toàn, bạn hãy lựa chọn đơn vị tổ chức tour uy tín giúp đảm bảo sự an toàn và lều trại, đồ ăn thức uống, bảo hiểm du lịch.
- Đầu tiên là sự chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe. Bạn sẽ ở trong rừng 2 đến 3 ngày và hầu như không có sóng điện thoại, nhiệt độ hạ xuống rất thấp vào buổi tối và gió luôn thổi mạnh. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị quần áo ấm, túi ngủ, tập quen với việc vệ sinh cá nhân tự túc trong một khu rừng.
- Sức khỏe là điều kiện quan trọng nhất để bạn có thể vượt qua đoạn đường hơn 50 km bằng chính đôi chân mình.Luyện tập thể lực như: Chạy bộ, leo cầu thang,.. trước đó ít nhất 1 tuần để có sức khỏe tốt.
- Luôn bám sát đồng đội, tuyệt đối không được tách đoàn.
- Không đi trekking vào ban đêm.
- Trang bị giày trekking và balo có đai trợ lực để đi bộ thoải mái hơn. Chuẩn bị quần áo dài, đủ ấm, chống nước thì càng tốt. Ống quần và ống tay áo dài giúp bạn tránh được vắt và sâu bọ, xây xát với cây cỏ…
- Trekking cũng như những loại hình du lịch khác, bạn hãy luôn chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là một số kỹ năng sinh tồn cơ bản.