NGẨN NGƠ MÙA TRÂM CHÍN TRI TÔN

Thứ Bảy, 29-05 2021
 
Khi những cơn mưa đầu hạ bắt đầu lâm râm, dọc theo huyện Tri Tôn (An Giang) không khó để bắt gặp hình ảnh những cây trâm đang mùa chín rộ, cho trái căng mọng. Ở đây trâm mọc thành vườn dưới chân núi, trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, trâm mọc thành hàng ven đường tỉnh lộ.
 
Bên cạnh cây thốt nốt thì cây trâm được coi là một trong những loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Tại huyện Tri Tôn, cây trâm tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô. Đây là những địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống. Đây là loại cây có sức sống khá cao, dù ở các vùng đất khô cằn vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cây trâm mọc hoang dã, sinh trưởng hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân xứ núi. 
 
Hàng năm, từ cuối tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch) là cây bắt đầu ra trái. Mùa trâm hàng năm bắt đầu từ lúc những cơn mưa đầu mùa rớt hạt, đúng vào thời điểm diễn ra mùa Vía Bà ở Châu Đốc cho nên nhiều người thường gọi trái trâm là đặc sản mùa vía Bà. Trái trâm nhỏ, hơi dài, mọc thành từng chùm, khi mới có trái có màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín sẽ chuyển sang màu tím đen. Trái trâm chín sẽ đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát; trái càng đen càng ngọt. Hạt trâm khá to nên người ăn chỉ thưởng thức được phần thịt bên ngoài.  Cây khoảng 7 năm tuổi mới bắt đầu cho thu hoạch, tuổi thọ của cây trâm kéo dài đến trên 50 năm. Điều đặc biệt là cây càng lớn tuổi sẽ cho trái càng sai. Đây là 1 loại trái cây sạch đặc sản, tự nhiên nên du khách từ phương xa đến rất thích thú với loại trái này.
 
Không cần tốn công chăm sóc, vào mùa chín rộ, nhà nào có cây trâm mọc thấp chỉ cần leo lên cây hái từng chùm hoặc căn lưới bên dưới gốc, rồi dùng cây chọc chọc cho trái rơi xuống. Để hái được những trái trâm chín mọng trên cây cổ thụ, người ta phải trèo lên những ngọn cây cao rồi dùng tay để hái. Đối với những trái trâm ở tán lá ngoài, bà con dùng thang tre hoặc những cây tre to, dài được đục lỗ nhỏ và cố định những thanh sắt vào để làm bàn đạp đi lên. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho bà con trong lúc nông nhàn, cây trâm còn giúp giữ đất, giữ vườn; tạo bóng mát cho những người nông dân sau những buổi lao động mệt nhọc.
 
Trái trâm mới vừa hái xuống ăn ngọt lịm pha lẫn vị chua chan chát có mùi thơm dịu. Trái trâm có thể ăn nguyên chất, nhưng nhiều người rất thích trộn trâm với muối ớt giã nhỏ sẽ tăng thêm phần đậm đà và thi vị, càng ăn càng ghiền. Có người mua trái trâm về rửa sạch, ướp chung với đường và muối ớt rồi cho vào tủ lạnh để dành ăn cả tuần vẫn thấy ngon và ngon hơn cà tuyệt vời.
 

Đối với nhiều người lớn tuổi ở vùng Bảy Núi – An Giang, trái trâm đã từng gắn bó với tuổi thơ của họ, nhất là vào những ngày vía Bà, hàng trăm các bà, các chị, trẻ em thi nhau bán trâm, trẻ con vừa đi vừa ngậm những trái trâm, đôi môi tím biếc mà lòng vẫn cứ vô tư. Chính vì vậy trong dân gian mới có bài đồng dao: “Trời mưa lâm râm / Cây trâm có trái / Con gái có chồng / Đàn ông có vợ / Đàn bà có con…” Tất cả những thứ đó đã để lại trong lòng họ biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu .

 
Bên cạnh việc thưởng thức trái trâm, du lịch miền Tây không thể không nếm loại trái cây đặc sản, như: nho rừng,  hồng quân, vải rừng, bơ, mãn cầu, vú sữa, sầu riêng… Hay các món ăn của đồng bào DTTS Khmer, như: đu đủ đâm, gà nướng Ô Thum, ếch nướng mọi, bánh canh Vĩnh Trung, cháo bò trái chúc… thơm ngon, lạ miệng, cực kỳ hấp dẫn, ăn một lần là nhớ mãi. Đặc biệt rừng tràm Trà Sư là điểm đến nhất định phải ghé thăm. Đây là khu rừng ngập nước nổi tiếng nhất ở miền Tây, có cảnh quan du lịch đặc sắc mỗi khi nhắc đến vùng đất An Giang. Rừng tràm Trà Sư là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, trong số này là những loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ.
 
Hong Ngoc Ha Travel_
.
Hong Ngoc Ha Travel_
.
Hong Ngoc Ha Travel_
.
Hong Ngoc Ha Travel_
Đánh giá bài viết
[yasr_visitor_votes]